Sau 4 năm sống trong tủi nhục của cuộc đời người vợ được mua về, chị Phan Thị Liệu đã tự giải thoát cuộc đời mình. Sự tự do không khiến chị thoải mái khi kẻ coi chị như món hàng, đẩy chị vào cuộc đời địa ngục vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật".
Tin bạn, mất cả tương lai
Người phụ nữ bị bạn thân lừa bán sang Trung Quốc, tự đào thoát trở về là chị Phan Thị Liệu (SN 1980), đội 1, thôn Tam Đa, xã Quảng Lưu (huyện Quảng Trạch, Quảng Bình). Chị Liệu kể lại: Lúc còn trẻ vì nhà đông anh em, gia cảnh nghèo đói, nên chị phải nghỉ học sớm để đi làm thuê giúp gia đình. Khi đến tuổi đôi mươi, nhờ sự mai mối, thiếu nữ thôn quê đã nên duyên cùng với một chàng trai xã bên và có một con trai. Cũng bởi vì cái nghèo, cái đói nên dần dần tình cảm vợ chồng không còn được nguyên vẹn và cuộc hôn nhân nhanh chóng đổ vỡ.
Sau khi ly dị, một mình chị phải bươn chải kiếm sống nuôi con. Nhưng cái nghèo, thiếu thốn cứ bám riết lấy chị khiến chị mệt mỏi, chán nản. Lúc này, trong thâm tâm, chị chỉ mong kiếm được một việc làm có tiền để nuôi con và rồi chị quyết định vào Sài Gòn phụ việc cho một gia đình.
Cũng tại đây, tình cờ chị quen một người bạn tên Lê Thị Hà (SN 1978), cùng cảnh ngộ, tuổi tác không chênh lệch là bao, tình “đồng hương, đồng khói” khiến đôi bạn trở nên quấn quyết, thân nhau. Phụ việc được một thời gian chị Liệu trở về quê hương, vì quen biết nên chị thường xuyên qua nhà Hà chơi
Vào năm 2006, do quen biết nhau một thời gian dài, Hà rủ chị Liệu “đi sang Trung Quốc chơi cho biết”: “Tau có nhiều bạn bè giàu có bên nớ, trước là đi chơi, sau nhờ mấy đứa bạn tau kiếm việc giúp cho hi vọng 2 đứa mình sẽ đổi đời, tiền xe để tau lo hết, mi yên tâm”.
Người phụ nữ hiền lành cả tin, mấy ngày sau đó đã gói gém hành lý theo Hà lên xe đi, vì say xe nên đến Thanh Hóa, 2 người dừng lại nghỉ ngơi, ở đó một hôm, ngày sau cả 2 người đi một chặng nữa đến Cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh). Trên suốt chặng đường, Hà không ngớt lời dỗ dành, hứa hẹn sẽ đưa chị Liệu qua đó ăn uống và mua sắm thỏa thích.
Sau khi vượt biên trái phép qua biên giới Trung Quốc, 2 người bắt xe đi suốt nửa ngày đường, tới một nơi toàn rừng núi heo hút thì Hà tạt vào một ngôi nhà toàn những người nói tiếng Trung Quốc. Những người đàn ông nhìn chị từ đầu đến chân với ánh mắt soi mói và thô thiển, khiến chị sợ hãi nhất quyết đòi về. Đáp lại, Hà nói đây là nhà người quen của chị ta và yêu cầu chị Liệu ở lại một vài hôm. Sáng hôm sau lấy cớ đi có việc Hà đã chuồn về nước, bỏ chị Liệu một mình giữa chốn xa lạ.
Một người phụ nữ trạc tuổi tiến sát lại chị Liệu và nói bằng tiếng Việt: “Em đã bị con Hà bán rồi, từ giờ em phải nghe lời chị làm việc mới có tiền chuộc thân”. “Tui không đồng ý một mực khóc lóc đòi về nhà nhưng vô vọng, họ nạt nộ, đánh đập, sợ quá nên tui phải nghe theo”, chị Liệu chua chát kể. Chị bị đưa đến một vùng quê hẻo lánh cho người chồng là một người đàn ông Trung Quốc tên Trương Minh Thiên.
Và từ đây, chuỗi ngày dài tủi nhục bắt đầu. Suốt 4 năm ròng, hằng ngày ngoài việc phải hầu hạ gia đình chồng như một nô lệ, chị Liệu còn buộc phải làm thêm ở một xưởng may, tiền bạc chị làm ra bị gia đình chồng thu hết, không cho chị cầm tiền bởi sợ chị sẽ trốn về nước. Sống với nhau được 1 năm thì chị và “chồng” có với nhau một người con.
Từ khi về nhà chồng, chị tự nhủ mình phải thật siêng năng, tạo lòng tin ở gia đình chồng mới có cơ hội được trốn về nước. Nhờ tính cần cù chịu khó nên dần dần chị lấy được niềm tin. Vào một ngày đẹp trời cuối năm 2010, sau những tháng năm vật vã nơi đất khách, chị đã xin phép gia đình chồng được về quê thăm gia đình và hứa sẽ quay lại, sau đó chị bắt xe tìm về Việt Nam chấm dứt chuỗi ngày dài bi kịch.
“Mẹ mìn” quỳ xin tha thứ
Bốn năm dài trên đất khách quê người, sống trong nỗi tủi nhục vì hành hạ, chị đã đôi lúc nghĩ rằng cuộc đời mình chẳng thể có ngày về với quê hương. Giờ được trở về quê, đó là niềm mong mỏi khôn xiết.
Mất tích đằng đẵng sau 4 năm, chị Phan Thị Liệu đột ngột tìm về khiến người thân, hàng xóm ngỡ ngàng và vỡ òa trong hạnh phúc. Ngày chị về, cụ Cao Thị Luyện (70 tuổi) không tin nổi là đứa con gái của mình vẫn còn sống. “Nó đi biền biệt 4 năm không liên lạc chi hết chú à, tui thì già rồi, biết đi mô mà kiếm, có dặn anh em, người làng vô Sài Gòn gặp nó thì bảo về với mệ chứ mệ nhớ lắm. Nhưng mà không ai gặp hết, có người xấu miệng còn nói nó bỏ đi làm cái này, cái nọ…”, cụ Luyện buồn bã tâm sự.
Để chứng thực cho vụ việc, chị Liệu mở trong cái túi nhỏ đưa ra cho chúng tôi xem một tấm thẻ CMND của một người đàn ông Trung Quốc, mà theo chị đó chính là người chồng mà mình hầu hạ trong 4 năm ở xứ người. Sau khi được anh bạn dịch chúng tôi mới biết rõ trong tấm thẻ ghi là: Tên: Trương Minh Thiên; Giới tính: nam; Số thẻ: 901200 Địa chỉ tạm trú: số 149; Nơi phục vụ: Thị trấn Quân An số 0323; Hộ khẩu: đội Hồng Ngũ, thôn Trấn Tây, trấn Tư Vương, huyện Bình Nam, tỉnh Quảng Tây. Mặt sau của tấm thẻ ghi là nhân viên lưu động tỉnh Quảng Đông, thẻ tạm trú, Công an tỉnh Quảng Đông ban hành.
Về Việt Nam đã gần 4 năm nay, nhưng chị Liệu vẫn còn cay đắng và uất hận trước người bạn thân đã bán đứng mình, nhưng vừa giận vừa thương... Những lúc qua nhà Hà tìm để nói rõ sự tình nhằm trút bỏ uất hận, thì đối tượng Hà quỳ xuống xin chị Liệu tha thứ và hứa sẽ bồi thường cho chị 10 triệu đồng.
Khi chúng tôi đặt câu hỏi, nếu đã thỏa thuận đền bù nhưng nhiều năm qua đối tượng vẫn không thực hiện lời hứa, tại sao chị không đi tố cáo kẻ đã bán mình? Chị Liệu thở dài, chép miệng: “Tiền bao nhiêu ăn rồi cũng hết, còn chuyện kiện cáo dính vô thì rắc rồi lắm, bây chừ cũng không giúp được chi nữa cả, mỗi lần nghĩ đến con Hà tui cũng tức lắm nhưng dù răng tui cũng mừng vì được trở về nhà rồi…”
Qua tìm hiểu, xác minh, chúng tôi được biết, đối tượng Lê Thị Hà (SN 1978, ngụ thôn Thanh Sơn, xã Quảng Thanh, Quảng Trạch, Quảng Bình). Nói về chuyện buôn người, chị Liệu bức xúc kể: “Không chỉ riêng tui bị nó lừa, mà có một hai người phụ nữ khác cũng bị chính nó lừa bán sang Trung Quốc, không biết nay đã trở về được chưa, thấy tội cho họ”.
Khi hay tin chị Liệu trở về, chính quyền địa phương hỗ trợ xây dựng cho chị một căn nhà tình nghĩa để mẹ con chị có chỗ tránh nắng, tránh mưa.
Chị Liệu bây giờ sống trong căn nhà tình nghĩa cùng đứa con trai Phan Trần Nhật Bảo (4 tuổi). Khi hỏi về đứa con này, chị chép miệng: “Đời tui có 3 đứa con trai, đứa đầu năm nay đã 14 tuổi, sống với ông bà nội ở xã bên, đứa thứ hai đang ở với chồng bên Trung Quốc mới đó mà 6 tuổi rồi. Còn đứa ni thì tui “ăn ra”, có nó cho vui nhà vui cửa, phòng lúc ốm đau, có nó chăm sóc…”
Mặc dù trở về quê hương, nhưng cái nghèo vẫn bám riết chị Liệu. Nhà chỉ được mỗi sào ruộng là nơi mà hai mẹ con chị sống qua ngày. Hằng ngày chị rửa bát thuê để kiếm tiền, đứa con trai 4 tuổi mắc hiện đang mắc chứng bệnh còi xương vì thiếu dinh dưỡng. Cháu Bảo đã đủ tuổi đến lớp mầm non nhưng vì gia cảnh nên phải ở nhà theo mẹ.
THEO PHÁP LUẬT VIỆT NAM
nguồn: doisongphapluat.com
0 nhận xét:
Đăng nhận xét